Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối mà nó là biểu hiện của sức mạnh nội tâm.            Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười.

Lược Sử Cố Đại Lão Hòa Thượng Khai Sơn Tông Trưởng Thượng Giác Hạ Đạo Phương Trượng Chùa Minh Thành TP.Pleiku Tỉnh Gia Lai

04/07/2013 09:29
- Nguyên Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam Tỉnh Pleiku. - Khai sơn Tông trưởng, Phương Trượng Tổ Đình Minh Quang – Chùa Minh Thành – Chùa Minh Lâm (TP Pleiku) Chùa Minh Quang (Cửu An - An Khê) Chùa Minh Châu (Huyện Mang Yang) Tỉnh Gia Lai.

Hoà Thượng Huý thượng Nhật hạ Định tự Thiện Tường hiệu Thích Giác Đạo Đời thứ 41 dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ, thế tánh Trần danh Giới, Xuất thế năm Bính Thìn (1916) tại thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai). Thân phụ là cụ ông tánh Trần danh Quý, thân mẫu là cụ bà tánh Đào Thị danh Lối, gia đình có 10 anh, chị, em. Hoà Thượng là người thứ 4 trong gia đình. 

Hoà Thượng được sinh ra trong một gia đình nhân hậu thuộc dòng dõi Tôn Thất Nhà Trần chi phái Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải, thuộc Chi họ Trần, Trưởng tông là Trần Nguyên Hãn cháu nội của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán là anh em cô cậu với Nguyễn Trãi.

Trần Nguyên Hãn là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. Ông cũng là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ. Năm 1428, kháng chiến thành công, Lê Lợi lên ngôi, Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, năm 1429 khi xin về hưu trí và sau đó bị triều đình nhà Lê ghép tội phản nghịch bị vua Lê Thái Tổ là Lê Lợi bắt giải về Kinh, trên đường đi đến bến Sơn đông thì trầm mình tự tử. Sau khi ông chết gia tài điền sản đều bị tich thu vợ con đều bị bắt.

Pháp Tướng Hòa Thượng Khai Sơn chùa Minh Thành do Đại Đức Tâm Mãn Họa

Theo Gia phả của các chi họ Trần ở Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thì Trần Nguyên Hãn có ba bà vợ, Ngày ông bị bắt xuống thuyền giải về kinh thì bà cả và con trai là Trần Doãn Hữu, tự là Trung Khang chạy trốn vào rừng thần sau đó trở lại Sơn Đông. Bà hai là Lê Thị Tuyển có hai con trai là Trần Trung Tuyển, Trần Đăng Huy tự là Trung Lương chạy trốn qua Làng Kẻ Nú, phủ Tam Đới huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn. Sau người con lớn Trần Trung Khoản tiếp tục bỏ đi và đổi ra họ Quách và Trần Đăng Huy đổi sang họ Đào. Bà vợ thứ ba bị bắt cùng ông về kinh sư.

Nhưng theo sự truyền khẩu của chi họ Trần Văn ở Gò Bầu tỉnh Bình Định thì một trong ba bà vợ của ông dẫn hai đứa con trai lên thuyền bỏ chạy trốn vào đất Chiêm Thành. Người con trai lớn là Trần Văn lập nghiệp ở Gò Bầu, Bình Định, người con thứ là Trần Võ lập nghiệp ở vùng đất lưỡng Quảng, vì là tội phạm của Triều Đình nên chi họ Trần ở đất Chiêm Thành không lập Gia Phả mà chỉ truyền miệng từ đời này qua đời khác cho con cháu trong họ tộc biết được nguồn gốc của mình. Hoà Thượng thuộc con cháu của dòng họ Trần Văn, Gò Bầu Bình Định.

Khai Sơn Đường - Thiền Lâm Xưng Long Tượng - Thế Pháp Tụng Thần Y

Dòng họ Trần vốn túc duyên với Phật Pháp. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sơ tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam là con cháu họ Trần, cho nên truyền thống tu hành cứu nhơn độ thế luôn là truyền thống của dòng họ. Hoà Thượng sinh ra trong một dòng họ như vậy, cộng với  nhiều kiếp gieo trồng căn lành với Tam Bảo, nên Hoà Thượng sớm nhận thức được chỉ có tình thương mới đem lại an ổn cho kẻ gian nan; chỉ có những liều thuốc hay mới đem lại vui sướng cho người bệnh hoạn.

Thế nên Hoà Thượng quyết chí học nghề thuốc Nam tại quê nhà từ thời niên thiếu. Từ đây lòng cứu nhân thôi thúc từng giờ, tâm độ thế ngày càng nung nấu. Hoà Thượng quyết học tinh xảo “Y Phương Minh” để cứu giúp đời. Chẳng bao lâu, nhờ tinh thần quyết tâm cầu học, nên được Y sư truyền trao nhiều kinh nghiệm về phương pháp trị bệnh. Nhờ vậy, nghiệp dĩ Đông Y đã được sớm đơm hoa kết trái. Sau đó, Hoà Thượng theo sự chỉ giáo của Y sư, vân du khắp chốn để gieo rắc tình thương bằng phương thức cứu chữa bịnh từ thiện cho mọi tầng lớp  nhân dân.       

Tinh thần độ thế ngày một cụ túc, ý chí xuất trần theo năm tháng vươn lên. Lá rụng về cội, vào một chiều đang bốc thuốc chữa bệnh, vẳng nghe xa vọng lại tiếng chuông chùa; Lòng người như chợt thức tỉnh, tâm vui nổi dậy trong lòng. Hoà Thượng lần theo lời dẫn dắt của tiếng chuông lần đến một ngôi chùa có tên Minh Hoà và đãnh lễ quy y cùng Đại Lão Hoà Thượng Phương Trượng Thiền Chủ. Rồi từ đó, ngoài những giờ làm thuốc trị bệnh, Hoà Thượng thường tới lui thăm viếng cảnh chùa, Vì vậy mà Phật Pháp theo tháng ngày đượm thấm, chí làm Tăng như trọn đủ duyên lành.

Theo chí cha ông dòng dõi nhiều đời làm xuất trần thượng sĩ. Nối tiếp nghiệp nhà theo gương Phật Hoàng nguyện đem Phật Pháp đến dân gian. Năm 1942 căn duyên cụ túc, Hoà Thượng quyết tâm “viễn ly hương đãng, thế phát bẩm sư” tại chùa Minh Hoà - An Khê đãnh lễ Đại Lão Hoà Thượng thượng Huệ hạ Tấn cầu xin xuất gia và được ban pháp danh là Nhựt Định. Năm ấy ngài tròn 27 tuổi. Rồi từ đó, Không môn nuôi chí Đại Thừa, Phạm sát mở đường Giải Thoát, Truy môn sớm chiều chuông khuya mõ sớm, Lan nhã bốn thời niệm hiệu Di Đà. Một năm sau (1943) Hoà Thượng được Bổn sư cho thụ giới Sa di lập hạnh “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức” và ban cho pháp tự là Thiện Tường.

Cửa Thiền ung đúc hình Đại Sĩ, Nhà Không nhào nặn chí Đại Thừa. Sau 5 năm hạ thủ công phu, lập công bồi đức. Năm 1947 Hoà Thượng bổn sư xét thấy, Tướng trượng phu đủ duyên thọ cụ túc, hạnh nhà thiền đủ pháp oai nghi. Hoà Thượng được Bổn Sư cho vào Nam thọ Cụ Túc giới tại Đại Giới Đàn chùa Long Thiền – Biên Hoà – Đồng Nai và truyền cho pháp hiệu là Giác Đạo. Duyên Phật Pháp từ đây đầy đủ, chí độ đời giờ đã viên thành, giờ đây Ngài; một Bát ba Y dấn thân vào cỏi mộng, đem đạo Bồ Đề phổ tế quần mê.

Bồ tát trụ ở đời vì cứu khổ ban vui, Người phát tâm độ thế chúng sanh quay hướng về. Hoà Thượng vừa chuyên tâm hành trì Kim Cang Thượng Thừa Pháp Môn, đồng thời học hành Dược Vương làm thuốc cứu đời. Đức tính từ bi khiến người người mến mộ, thần y diệu dược nên dân chúng tôn sùng. Duyên lành với chúng dân đã đủ. Căn nguyên lập pháp đã thành. Năm 1955 Hoà Thương khai sơn chùa Minh Quang thuộc thôn An Điền Bắc, Cửu An – An Khê. Phạm Vũ thế tựa sơn tiền thuỷ, Già Lam đất rồng phục hổ chầu. Thảo Am mưa nắng sớm kinh chiều kệ, rừng thiền đông hạ luyện thuốc độ đời. Kể từ đó tiếng đồn Thiền ông tu hạnh độ thế, danh thần y lan rộng khắp vùng, phương tiện độ sanh học nguyện Dược Vương Đại Sĩ, cứu cánh đại thừa lấy niệm Phật làm căn.    

Năm 1963 hạnh đức trang nghiêm tứ chúng quy ngưỡng, Hoà Thượng được cung thỉnh làm Tôn Chứng Tăng Già tại Đại Giới Đàn Chùa Minh Tịnh TP.Quy Nhơn ngôi vị đệ nhất Tôn Chứng. Hoằng Pháp lợi sanh, phục vụ chúng sanh tức cúng dường chư Phật, nơi nào chúng sanh cần thì ta đến.

Đất Gia Lai cao nguyên miền biên xứ, dân chúng tứ phương tụ về  lập ấp dựng thôn. Do sự thỉnh cầu của tứ chúng và bà con, nên cũng trong năm đó Hoà Thượng đã lên cao nguyên hành đạo. Khai sơn khải kiến chùa Minh Quang – Pleiku, để làm chốn nơi truyền pháp hoá đạo. Thảo Am đơn sơ nhưng ẩn tàng bổn tâm Đại Sĩ, Kim địa thanh bần nuôi dưỡng ý chí Đại Thừa. Chẳng bao lâu tứ chúng mười phương câu hội Tăng tục đủ đầy, Am thảo ngày nào nay thành Già Lam Phạm Sát.

Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh ở Tây Nguyên, vì nhu cầu của tín đồ cũng như xây dựng cơ sở để hoằng pháp. Năm 1970 Hoà Thượng khai sơn Chùa Minh Thành – Pleiku, Chùa Minh Châu – Mang Yang .

Năm 1969 Ban tổ chức Giới Đàn tỉnh Phú Yên đã cung thỉnh Hoà Thượng làm Giáo Thọ A Xà Lê tại Đại Giới Đàn chùa Nghĩa Phú – Phú Yên.

Năm 1972 làm Yết Ma – A Xà Lê tại Đại Giới Đàn Chùa Sùng Đức - Chợ Lớn (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1969 Hoà Thượng được suy cử làm Phó Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Pleiku.

Năm 1970 Hoà Thượng làm Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Pleiku cho đến 1981.

Năm 1980 Hội đồng Viện Tăng Thống và Hội đồng viện Hoằng Đạo Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam xét công đức tu hành và sự nghiệp hành đạo của Ngài đã tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà Thượng. Năm ấy Hoà Thượng được 65 tuổi.     

Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, thiên hạ âu ca tiếng hát hòa bình. Cội tùng già trong nắng sương cũng đến hồi hưu tức, lão thiền ông cũng đến độ vấng thiền. Hoà Thượng tuổi cao sức yếu nên giao lại các công việc giáo hội cho lại cho sơn môn, chuyên tâm vào niệm phật hành thiền, làm thuốc để trị bịnh cứu gúp dân lành, tiếp Tăng độ chúng, nên “Tòng Lâm xưng Long Tượng , Thế Pháp tụng thần y” tứ chúng bốn phương cuối đầu quy y bật thạc đức, ba miền Nam Trung Bắc đâu cũng nghe tiếng bậc y sư.

Phật xưa độ di mẫu Kiều Đàm dòng họ Thích Nữ, Nam trọn vẹn, theo truyền thống Phật Đà, hóa độ chúng sanh tâm không phân biệt. Năm 1993 Hòa Thượng khai sơn chùa Minh Lâm làm Ni Viện cho Ni chúng tu hành. Tông Phong Minh Quang giờ đây đủ đầy bốn chúng, Tăng Ni nhị bộ chuyên tu chí nguyện hoằng dương Phật Pháp.

Duyên hợp rồi tan, Trăng tròn lại khuyết, Vạn Hạnh Thiền Sư dạy “Thân như điện chớp có rồi không” Vô Thường luật định. Ngày theo ngày cho trăng già thêm nết, tháng hỏi năm ấy ánh nhựt chiều tà, Ngài Quy Sơn dạy “Ngày qua tháng lại chốc đã bạc đầu” vóc dáng “Vân thủy Tam thiên” nay “Thiền Đường cửu tọa” Hình hài “Long hình Tượng tướng” nay “Bạch phát Thiền ông” bao nhiêu tháng năm hoằng hóa chốn phàm tình,  biết bao tuế nguyệt dựng xây Tăng già Phạm Sát. Nay Tăng đồ nhị chúng cần tu tinh tấn, lớp lớp chí nguyện xuất trần được Ngài ung đúc thành “Pháp khí Đại Thừa” Tăng tục duyên tròn, Tông phong đại chấn.

Hóa độ nhân gian đã đến kỳ ký tất, duyên ở Ta Bà đã đến lúc chung quy “Bất cấu bất nhiễm thị Tây Phương, vô não vô ưu chân Cực Lạc”. Tháng 6 năm Kỷ Mão (1999) Hòa Thượng lâm bệnh, đến ngày 16 tháng 7 thì thuận thế vô thường, xã báo an tường, thâu thần thị tịch. Từ đây đất Gia Lai Phật Giáo tỉnh nhà vắng hình Thiền ông thạch trụ, Tông phong Minh Quang, thiền thất không còn thấy bóng dáng Phương Trượng Đại Thừa, Tứ chúng tiếc thương tiễn Ông về cảnh Phật, Trăm họ ân cần đưa bậc Tôn Đức nhập Pháp Hải Tỳ Lô.

Một đời dấn thân hoằng Phật Đạo, Một kiếp không nguôi dưỡng dục Tăng tài. “Truyền Đăng Tục Diệm, Kế Vãng Khai Lai” lớp lớp cháu con noi gương Đại Sĩ, đời đời Tăng Ni tiếp chí Tăng Già. Sơn môn Minh Quang nương theo đức lực của Hòa Thượng nay đã trưởng thành cụ túc, Tứ chúng Tổ Đình học chí nguyện hoằng dương của Hòa Thượng mà bố giáo muôn phương, thật là “Kiến Pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, thiệu long Tam Bảo, thừa sự thập phương chư Phật” .

Đệ Tử Hòa Thượng thuộc Tông phong Minh Quang trụ trì các ngôi tự viện ở Gia Lai

Tổ Đình Minh Quang do TT Thích Trí Thạnh trụ trì .

Chùa Minh Thành do ĐĐ Thích Tâm Mãn trụ trì

Chùa Minh Châu do ĐĐ Thích Trí Thức trụ trì     

Chùa Minh Quang An Khê do ĐĐ Thích Trí An trụ trì

Chùa Minh Lâm do sư cô Thích Nữ Huệ Trí trụ trì

Chùa Bửu Tịnh do TT Thích Trí Yên trụ trì

Chùa Phước Hòa do ĐĐ Thích Trí Thanh trụ trì

Chùa Minh Đạo ĐĐ Thích Lệ Cần

Đệ Tử Hòa Thượng thuộc tông phong Minh Quang trù trì các ngôi tự viện ở TP Hồ Chí Minh

Chùa Khánh An (Q12) do ĐĐ Thích Trí Chơn trụ trì

Chùa Vạn Hạnh (Q12) do ĐĐ Thích Trí Thường trụ trì

Chùa Phước An  (Q8)  ĐĐ Thích Trí Nhiên

Chùa Ngọc Thuận (Q,HM) ĐĐ Thích Trí Đắc

Chùa Liên Trì (Q,HM) do Sư cô Thích Nữ Lệ Tấn trụ trì

Chùa Liên Trì (Q12) do Sư cô Thích Nữ Lệ Hòa trụ trì

Đệ Tử Hòa Thượng thuộc tông phong Minh Quang trù trì các ngôi tự viện ở Tỉnh Đồng Nai

Chùa Phổ Đà do sư cô Thích Nữ Lệ Nhất trụ trì

Đệ Tử Hòa Thượng thuộc Tông phong Minh Quang trụ trì các ngôi tự viện ở nước ngoài

Chùa Giác Đạo ở Ba Lan do ĐĐ Thích Trí Chơn trụ trì

“Dĩ đức vi tông, dĩ tuệ vi nghiệp” Hòa thượng một đời dấn thân vì đạo, một kiếp hưng giáo Đại thừa, với Tông phong một lòng hưng chấn, với tổ nghiệp nhất tâm truyền thừa. Nay quảy dép về Tây nhưng pháp thân thường trụ, Ân tình Hòa Thượng dân Gia Lai ghi nhớ, Đức tu của Ngài tứ chúng mông huân. Kính nguyện Tôn sư cao đăng Phật Quốc , hồi nhập Ta Bà, thừa đại nguyện lực, tiếp độ quần sanh, nương đức hạnh hoằng dương thánh giáo.

Nam Mô Minh Quang Tông Trưởng Khai Sơn Minh Thành Đường Thượng Phương Trượng thượng Giác hạ Đạo – Định Công Thượng Nhân Giác Linh Nghê Tòa Chứng Giám.

Môn Đồ tứ chúng đồng bái soạn