Vinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo SliderVinaora Nivo Slider

Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối mà nó là biểu hiện của sức mạnh nội tâm.            Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười.

Vì sao người Phật tử nên ăn chay?

23/09/2016 18:45
Trước hết, người Phật tử có hai lý do để ăn chay.

Thứ nhất là vì lòng từ bi. Nếu bạn không có lòng từ bi, hoặc ít nhất là không tán thành với lòng từ bi của người khác, ắt hẳn bạn đã không có thiện cảm với đạo Phật, đừng nói gì đến việc trở thành một Phật tử. Vì thế, điều tất nhiên là mọi người Phật tử đều đang trong tiến trình nuôi dưỡng tâm từ bi, hoặc ít nhất cũng là có sự tán trợ, đồng tình với sự tu tập từ bi của người khác.

Nếu còn hoài nghi về lòng từ bi của chính mình, bạn có thể tự kiểm chứng qua một vài câu hỏi đơn giản. Khi xem tin tức hằng ngày trên tivi, mỗi lần thấy có thiên tai xảy ra đâu đó trên thế giới này khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người khác mất nhà cửa, sống lây lất khổ sở và thiếu thốn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Liệu bạn có thể lạnh lùng vô cảm chăng? Hay từ trong đáy lòng bạn sẽ cảm thấy có một sự nhói đau nào đó, nó khiến cho bạn hoặc rơm rớm nước mắt, hoặc thấy thôi thúc muốn làm một điều gì đó để chia sẻ cùng đồng loại? Hoặc có những lúc đi trên đường phố và vô tình chứng kiến một tai nạn thương tâm, bạn có thể dửng dưng bước đi không chút động lòng được chăng? Hay bạn sẽ tự nhiên dừng lại và sẵn lòng giúp đỡ nếu cần? Ngay cả khi không thể giúp được gì, chắc hẳn trong lòng bạn cũng không thể không có sự bồi hồi thương cảm.

Những cảm xúc được khơi dậy trước nỗi khổ đau là hoàn toàn tự nhiên ở hầu hết mọi con người, không chỉ riêng ở người Phật tử. Tuy nhiên, người Phật tử học theo lời Phật dạy nên luôn nuôi dưỡng lòng từ bi và sẽ biến những cảm xúc ấy thành ý nghĩ, lời nói và việc làm theo hai mục tiêu cụ thể: cứu vớt khổ đau và mang lại niềm vui cho người khác. Cứu khổ và ban vui chính là ý nghĩa của hai chữ từ bi.

Như vậy, khi tin nhận và làm theo lời Phật dạy thì người Phật tử phải là người nuôi dưỡng lòng từ bi, hoặc ít nhất cũng là hoan hỷ tán trợ với sự tu tập từ bi của người khác. Đứng trên quan điểm này mà xét thì việc giết hại bất kỳ loài vật nào để ăn thịt, hoặc tán thành những sự giết hại ấy, đều là đi ngược lại với lòng từ bi, đi ngược lại với lời Phật dạy.

Lòng từ bi của đạo Phật hướng đến đối tượng là tất cả chúng sinh, là muôn loài có tri giác, chứ không chỉ riêng đối với con người. Nền văn minh tiến bộ của nhân loại ngày nay đã đi đến chỗ tương đồng với quan điểm này khi hầu hết các quốc gia văn minh đều có chủ trương bảo vệ động vật hết sức rõ ràng, nghiêm ngặt. Cho dù nhân loại vẫn chưa thực sự chấm dứt việc ăn thịt, nhưng việc giết hại động vật ngày nay ở nhiều nơi đã bị xem như một tội ác.

Vì thế, người Phật tử cần phải hướng đến việc ăn chay như một điều tất yếu để phù hợp với nhận thức và sự tu tập nuôi dưỡng lòng từ bi. Bởi khi suy xét một cách khách quan, chúng ta hoàn toàn không thể biện bạch gì được cho hành vi giết hại sinh mạng loài vật để nuôi sống bản thân mình. Hơn thế nữa, nếu thử làm một phép tính so sánh để thấy rằng giá trị của một sinh mạng, hoặc thậm chí là nhiều sinh mạng, chỉ đủ để đổi lấy một vài bữa ăn, nghĩa là chỉ nuôi sống riêng ta trong một ngày, thì đây quả là một sự bất công không gì có thể bù đắp được.

Lý do thứ hai để người Phật tử hướng đến việc ăn chay là niềm tin về nhân quả. Nói một cách khách quan, nếu bạn chưa ăn chay thì điều đó có nghĩa là bạn chưa thực sự tin nhân quả. Vì sao vậy? Luật nhân quả nói rõ rằng khi bạn gieo nhân nào, bạn sẽ gặt quả ấy. Cho dù bạn trốn chạy đến bất cứ nơi đâu hay trải qua một dòng thời gian bao lâu đi chăng nữa, thì cuối cùng điều chắc chắn là bạn vẫn phải nhận chịu kết quả những hành vi của chính mình.

Trong thực tế, nếu chỉ cần phải hứng chịu một trận đòn đau để đổi một bữa ăn, chắc chắn sẽ không ai trong chúng ta chọn lấy điều đó cả! Thế nhưng, theo đúng luật nhân quả thì với mỗi một bữa ăn bằng máu thịt loài vật, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả lại bằng một kiếp sống khổ đau, vì sẽ bị chấm dứt bằng sự giết hại, bằng sự đau đớn do bị hành hạ cho đến chết. Quả thật là một cái giá quá đắt cho chỉ một bữa ăn, đừng nói gì đến hàng trăm ngàn bữa ăn trong suốt cuộc đời ta! Như vậy, nếu bạn không nghĩ đến cái giá quá đắt này, không nghĩ đến hậu quả chắc chắn phải nhận lãnh trong tương lai vì những bữa ăn của mình, phải chăng điều đó đã nói lên rằng bạn chưa thực sự tin chắc vào nhân quả? Phải chăng bạn vẫn luôn ảo tưởng rằng mình là một ngoại lệ, và những hậu quả đáng sợ kia chắc sẽ không đến với mình? Phải chăng bạn đang cho rằng sự giết hại sẽ mang đến kết quả bị giết hại, nhưng điều đó chỉ đúng với ai khác chứ hoàn toàn không áp dụng cho trường hợp của bạn?

Cho nên, nếu thực sự tin sâu vào nhân quả, người Phật tử không thể không hướng đến việc ăn chay. Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình. Và nếu chúng ta không khởi sự làm điều đó ngay hôm nay thì cũng có nghĩa là ta sẽ còn phải tiếp tục kéo dài nhiều kiếp sống khổ đau bất tận trong sinh tử luân hồi, bởi luật tắc vay trả trả vay là điều căn bản nhất trong sự vận hành của cuộc đời này.

 

Trích VÌ SAO NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĂN CHAY
Nguyễn Minh Tiến

Các tin tức khác